Ngôn ngữ
VIE
ENG VIE

TRUYỀN THÔNG

CEO Pacific Elevator Trần Tuấn Anh: Không ngại cạnh tranh trực diện với đối thủ nước ngoài

Sau gần 30 năm phát triển với các sản phẩm thang máy luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất, ông Trần Tuấn Anh – CEO Công ty Thang máy Pacific (Pacific Elevator) – cho biết, ông không ngại việc cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

Doanh nhân Trần Tuấn Anh – CEO công ty Thang máy Pacific

Ông Trần Tuấn Anh – Tổng giám đốc Công ty Thang máy Pacific (Pacific Elevator) được biết đến là một trong những chủ doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam tham gia sản xuất linh kiện, phụ kiện thang máy, cung cấp cho thị trường nội địa từ những năm đầu thập niên 1990. Trước khi “lấn sân” sang thị trường xuất khẩu cũng như hợp tác phân phối và sản xuất thang máy theo công nghệ Ý, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ, ông đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường thang máy cũng như công nghệ sản xuất thang máy tại các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Thế nhưng, sau gần 30 năm phát triển, đến nay điều ông lo ngại không phải là sự bành trướng của các nhãn hàng thang máy nước ngoài tại thị trường Việt Nam, mà là sự làm ăn thiếu trung thực của một số doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng không tốt đến nhiều doanh nghiệp chân chính trong ngành.

Chia sẻ việc vì sao lại khởi nghiệp với lĩnh vực sản xuất, cung ứng linh kiện, phụ kiện thang máy, ông Trần Tuấn Anh cho biết, trước năm 1995, phần lớn thang máy ở các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam sau một thời gian vận hành đã hư hỏng nặng. Song, thời điểm đó chưa có đơn vị nào trong nước nhập khẩu hay sản xuất phụ tùng, linh kiện, phụ kiện thang máy để sửa chữa. Xuất thân là dân kỹ thuật, ông nhận thấy đây là cơ hội để kinh doanh, do đó đã tham gia lĩnh vực này.

Ông Trần Tuấn Anh tìm đến các trường đại học, các cơ sở sản xuất để đặt hàng thiết kế, gia công từng công đoạn. Cũng nhờ cách làm này mà rất nhiều thang máy tại các tòa nhà ở Việt Nam đã có được phụ tùng thay thế nên vận hành trở lại. Đồng thời, cũng nhờ nhìn thấy được tiềm năng này mà từ một cơ sở nhỏ, đến nay ông đã phát triển Pacific Elevator thành công ty thuộc top đầu Việt Nam trong ngành sản xuất thang máy. Thế nhưng, khi tốc độ đô thị hóa càng cao, thị trường càng rộng mở thì sự cạnh tranh trong ngành thang máy ngày càng khốc liệt.

Với tốc độ tăng trưởng thang máy và thang cuốn từ 15 – 20%/năm nên Việt Nam càng thu hút các nhà sản xuất thang máy nước ngoài. Như vậy Pacific Elevator có bị ảnh hưởng thị phần không, thưa ông?

Nếu xét về chất lượng sản phẩm thì so với các nhà cung ứng cũng như các nhà sản xuất thang máy ngoại, chúng tôi không quá lo ngại. Bởi gần 30 năm qua, do thang máy của chúng tôi bảo đảm chất lượng nên đã có nguồn khách nhất định, từ các khách sạn 4 – 5 sao, cao ốc văn phòng đến chung cư cao tầng. Thế nhưng, điều chúng tôi lo ngại là cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, bởi hiện nay quản lý nhà nước đối với quy trình sản xuất thang máy quá lỏng lẻo.

Đơn cử từ việc sản xuất một chiếc xe máy để dễ hình dung. Dĩ nhiên, khi chiếc xe máy muốn chạy ngoài đường thì phải hoàn tất các thủ tục về đăng kiểm, đăng ký bởi liên quan đến sự an toàn cho người sử dụng. Trong khi đó, thang máy lại không được chú trọng về vấn đề này.

Khâu quản lý nhà nước rất lỏng lẻo nên thị trường đã có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, nhưng thực chất chỉ là mua bán, lắp đặt. Họ thu gom vật tư, thiết bị từ các nơi với giá rẻ rồi cho ra những thang máy “không cần quá chất lượng” với giá cạnh tranh nhất. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín chung của các doanh nghiệp làm thang máy chân chính của Việt Nam.

Những gì ông chia sẻ cho thấy doanh nghiệp ngành thang máy Việt Nam ít đề cao chất lượng cũng như sự sáng tạo?

Đó là việc làm của những công ty kinh doanh chụp giật. Thực tế cho thấy có nhiều công ty tham gia sản xuất, lắp ráp thang máy “made in Vietnam” nhưng không có nhà máy sản xuất, mang đậm dấu ấn của nhà sản xuất. Song, họ vẫn hình thành nên những thương hiệu thang máy bằng cách mua vật tư trôi nổi trên thị trường rồi lắp ráp và cho ra thành phẩm thương hiệu của riêng họ. Với cách làm đó, theo quy luật của thị trường, sẽ bị thải loại chứ chưa cần đến sự ra tay của các nhà quản lý. Bởi khi nói đến thang máy là luôn đi kèm chất lượng, trong đó tính an toàn phải cao nhất.

Nhưng điều đáng lưu ý là hiện nay có không ít thang máy được bán cho các tòa nhà công, được mua bằng tiền ngân sách nhà nước nên sản phẩm chỉ cần đủ “giấy thông hành”. Do đó có những cơ quan nhà nước khi mua thang máy, đưa vào vận hành rồi mới thấy chất lượng đáng báo động. Điều này tạo ra bất lợi cho sự phát triển chung của ngành thang máy Việt Nam. Cho nên, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính thời gian qua đã bị mất thị phần khá lớn trong lĩnh vực này.

Theo ông thì Pacific Elevator bị ảnh hưởng như thế nào?

Thang máy Pacific chiếm chưa đến 10% tổng thị phần thang máy ở Việt Nam. Trong đó, các công trình xây dựng từ ngân sách nhà nước, chúng tôi có tham gia nhưng tỷ lệ cũng rất ít. Do đó, chúng tôi rất mong có một thị trường cạnh tranh bình đẳng, ai có tài, có năng lực thì người đó thắng. Phải có môi trường kinh doanh như thế thì mới tạo nên một xã hội phát triển. Còn ngược lại, nếu vấn đề này không được giải quyết thì thương trường sẽ không lường trước được điều gì.

Được biết, thời gian qua Pacific Elevator đã định hình thị trường ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Trước thực trạng như hiện nay thì đâu là thị trường mà ông muốn định vị?

Thang máy của Pacific đã xuất khẩu đến khá nhiều quốc gia, trong đó có một số nước Trung Đông nhưng hiện thời chúng tôi đã ngưng thị trường khu vực này do vướng một số chính sách xuất nhập khẩu. Pacific Elevator đang tập trung phát triển một số thị trường tại Đông Nam Á. Tuy vậy, mục tiêu chính của chúng tôi vẫn là cạnh tranh trong nước, nên việc nâng chất lượng thang máy để đối trọng với các thương hiệu, nhãn hàng nước ngoài đang có mặt hoặc sắp có mặt tại thị trường Việt Nam là quan trọng nhất. Hiện, mặt hàng chính của chúng tôi vẫn là dòng thang máy sử dụng cho các tòa nhà dưới 40 tầng.

Chúng tôi đã cung cấp khá nhiều dòng thang máy này cho thị trường trong nước nên đã phần nào tạo được chỗ đứng, tạo dấu ấn về uy tín thang máy “made in Vietnam”. Cho đến thời điểm này, khi nói đến thang máy Việt Nam, Pacific Elevator tự tin đang dẫn đầu về dòng tốc độ cao.

Các nhà thầu xây dựng vẫn ưu ái thương hiệu thang máy ngoại. Đó có phải là một bất lợi cho Pacific Elevator?

Để xây dựng được một thương hiệu, đôi khi người ta phải mất cả trăm năm hoặc hơn thế. Thế nên, để một thương hiệu mà bất kỳ ai khi chọn lựa sử dụng đều nhớ đến đầu tiên là vô cùng khó. Đó là lý do chúng tôi hợp tác, hay nói đúng hơn là phải mua thương hiệu thang máy Tecno (Ý) để sản xuất dòng thang máy mang thương hiệu Pacific.

Hiện nay chúng tôi không quá mong muốn những khách sạn 4 – 5 sao hay cao ốc cao cấp lựa chọn thang máy thương hiệu Pacific, nhưng với mục tiêu trong tầm 5 – 10 năm tại thị trường Việt Nam, chúng tôi phải khẳng định được tên tuổi với khách sạn 4 sao. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hoàn thiện tốt nhất bộ máy hỗ trợ kỹ thuật thang máy, để khi khách hàng cần là có mặt ngay.

Thời gian qua, inox nhập khẩu bị đánh thuế cao có ảnh hưởng đến thang máy Thái Bình trên thương thường không, thưa ông?

Chúng tôi không ngại phụ thuộc inox nhập khẩu, bởi không có doanh nghiệp sản xuất thang máy nào có thể chủ động được nguồn nguyên liệu này. Đáng bàn là doanh nghiệp nước ngoài không bị đánh thuế nhập khẩu inox nguyên liệu, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì phải đóng, thuế lại cao.

Thực tế, không có một công ty lớn nào trên thế giới chủ động được nguyên liệu và sản xuất được từ A đến Z, vấn đề quan trọng là chọn cách làm thế nào để sản phẩm có chất lượng hoàn hảo nhất. Thị trường bây giờ đã phẳng, sản phẩm nào giá hợp lý, chất lượng đảm bảo thì được sự tín nhiệm của người tiêu dùng.

Đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm, hoặc được doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề mua lại. Pacific Elevator có xảy ra vấn đề này?

Có một điểm rất đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thang máy nhỏ chỉ có thể tồn tại 20 – 30 năm. Bởi lẽ, một là không cạnh tranh nổi trên thương trường, hai là họ được các tập đoàn lớn đặt mua lại. Các công ty nhỏ tuy không phải là đối thủ cạnh tranh nhưng ít nhiều cũng tạo ra rào cản để các doanh nghiệp tháng máy lớn không thể tùy ý bán sản phẩm với mức giá quá cao. Đơn cử như trước đây, các hãng sản xuất thang máy lớn đã bán một thang máy với mức giá gần 100.000USD, nhưng đến nay cùng với sự ra đời của nhiều hãng thang máy nhỏ thì giá ấy không thể được chấp nhận, rõ ràng thị trường đã có sự cân chỉnh.

Thời gian qua, có doanh nghiệp nước ngoài trong ngành thang máy đặt vấn đề mua cổ phần của Pacific. Là doanh nhân, tôi biết chắc rồi họ sẽ thâu tóm chúng tôi. Thế nên, dù với mức giá cao, chúng tôi vẫn quyết không bán Pacific Elevator.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn

TIN TỨC LIÊN QUAN